Sự lão hóa, suy yếu hoạt động các cơ quan ở người lớn tuổi khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với tác động bất lợi từ môi trường. Điều này dẫn đến một thực tế: người già là đối tượng dễ mắc nhiều bệnh và biến chứng nguy hiểm. Do đó, chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho họ cần được chú ý nhiều hơn, áp dụng riêng cho từng trường hợp bệnh lý.
Đái tháo đường
Là căn bệnh tăng nhanh nhất trong 10 năm trở lại đây (211%), đái tháo đường được ví như sát thủ thầm lặng, xảy ra với các triệu chứng âm thầm trong nhiều năm, dẫn đếnbiến chứng nặng nề lên thần kinh, tim mạch, thận, mắt… Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam năm 2014, mới chỉ có 33,4% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán, nhưng 56,3% bệnh nhân được chẩn đoán lại chưa được điều trị, đồng thời tỉ lệ bệnh tăng nhanh 5,5%.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân nhập viện chủ yếu thuộc thể đái tháo đường týp 2, với biểu hiện tiến triển âm thầm nhiều năm không có triệu chứng rõ rệt. Người bệnh chủ yếu đi khám và nhập viện ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì biến chứng rất cao (72,08%), tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi 60-74, nữ mắc nhiều hơn nam.
Người già mắc bệnh tiểu đường có xu hướng ăn kiêng quá nghiêm ngặt, cộng thêm yếu tố tâm lý hoang mang khiến họ dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng thích hợp nhất là giảm tỉ lệ đường hấp thu nhanh, tăng các đường chậm hấp thu như palatinose, maltodextrin không thủy phân, tăng các acid béo thiết yếu, bổ sung chất xơ, các vi chất cải thiện khả năng tiết Insulin và nhạy cảm với Insulin của tế bào như Arginin, Inulin, Inositol…
Rối loạn lipid máu
Đối với người cao tuổi, đái tháo đường và rối loạn lipid máu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đa số họ đều mắc cả hai bệnh nguy hiểm này tuy nhiên chỉ số đường máu thường được ưu tiên hơn trong điều trị.Việc phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng khả năng gặp các tác dụng phụ trên gan, thận, đường tiêu hóa…
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc rối loạn lipid máu là trên 40 %, trong đó nhóm tuổi trên 60 chiếm tỉ lệ cao nhất. Rối loạn lipid máu là nguyên nhân dẫn đến 48% tỉ lệ tử vong do các bệnh về xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Khi mắc bệnh, phần lớn người cao tuổi có tâm lý dè chừng trong ăn uống, kiêng mỡ, dầu ăn, lòng đỏ trứng,…nên có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Trên thực tế, một số thông số lipid máu như Triglycerid nếu chưa tăng quá cao thì hoàn toàn điều chỉnh được bằng chế độ ăn và thay đổi lối sống. Người cao tuổi cần có chế độ ăn phù hợp để không phải ăn kiêng và đáp ứng đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
Ung thư
Ung thư không còn là khái niệm mới mẻ nhưng ung thư thực sự là mối lo ngại hàng đầu ở tuổi già, khi các hệ thống phòng thủ của cơ thể đã trở nên yếu kém. Có hơn một nửa trường hợp ung thư mới phát hiện xảy ra ở người trên 65 tuổi và rất nhiều trong số đó có căn nguyên từ Dinh dưỡng.
Các loại ung thư thường gặp ở lứa tuổi ngoài 60 là ung thư dạ dày- ruột, đại tràng, trực tràng (nam cao hơn nữ), ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú… Các nghiên cứu đã chỉ ra, thừa cân, béo phì và những thiếu hụt nội tiết sau thời gian mãn kinh có mối liên quan với sự gia tăng tỉ lệ ung thư ở lứa tuổi này. Bên cạnh đó, sự gia tăng các gốc tự do khi vai trò của chất chống oxy hóa suy giảm ở tuổi già cũng góp phần tăng nguy cơ mắc ung thư. Dinh dưỡng hợp lý, khoa học có thể giảm tần suất mắc ung thư. Đối với người đã mắc bệnh, chăm sóc dinh dưỡng là rất quan trọng để tránh suy mòn trong ung thư, suy kiệt và nâng cao thể trạng,…
Tóm lại, người lớn tuổi là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt về chế độ dinh dưỡng. Chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể giúp họ phòng tránh rất nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, ung thư,… Với sự hạn chế về hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn thông thường, việc bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng y học như Medifood là giải pháp tối ưu cho vấn đề dinh dưỡng ở người lớn tuổi trong cộng đồng.