Giữ gìn sức khỏe là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh hiện tại. Một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất nhằm tăng cường hệ miễn dịch là hấp thụ đủ vitamin và khoáng cần thiết.
Vitamin C, còn gọi là axit ascorbic, vô cùng quan trọng và cơ thể bạn không thể tự sản xuất chất này. Do đó, nguồn cung cấp vitamin C chủ yếu đến từ chế độ ăn hàng ngày. Ashley Barrient, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ y khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial cho biết, phụ nữ nên bổ sung 75mg vitamin C mỗi ngày, con số này 90mg đối với nam giới.
Tuy không phải là thuốc chữa bệnh, chất này lại có khả năng phòng bệnh và tăng cường hệ miễn dịch vô cùng hiệu quả. Dưới đây là tổng hợp những lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe:
Thúc đẩy hệ miễn dịch
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến mọi người bổ sung nhiều vitamin C trong mùa bệnh là tăng cường hệ miễn dịch. Chất này có khả năng thúc đẩy cơ thể sản xuất các tế bào bạch cầu, còn gọi là tế bào lympho và thực bào.
Nói cách khác, bạn có thể tránh nhiễm trùng và giảm thời gian phục hồi tổn thương nếu bổ sung đủ vitamin C. Theo Bonnie Taub-Dix, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn Read It Before You Eat It: Taking You from Label to Table, một trong những nguồn cung cấp chất này dồi dào nhất là các loại quả có múi như cam, chanh. Đừng ngại ngần uống một ly nước cam mỗi sáng nếu bạn có điều kiện.
Giảm đau mãn tính
Vitamin C là một chất chống oxy hóa rất mạnh và đã được chứng minh giúp tăng khả năng chống viêm trong máu lên đến 30%, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm đáng kể.
Chất chống oxy hóa thực sự vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do và mất cân bằng oxy hóa. Tình trạng này có liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính. Bưởi chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa, trong đó có vitamin C.
Kiểm soát huyết áp
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), gần ⅓ người Mỹ đang phải đối mặt với bệnh cao huyết áp. Vitamin C thực sự có liên quan đến việc giảm huyết áp ở người trưởng thành khỏe mạnh và người bị tăng huyết áp. Các loại rau xanh thuộc họ cải bắp như súp lơ xanh là nguồn cung cấp chất này dồi dào.
Bảo vệ sức khỏe tim
Không chỉ giúp kiểm soát huyết áp, vitamin C còn rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chất này làm giảm giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL) đáng kể. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí tiêu dùng thực phẩm Hoa Kỳ, bổ sung đủ vitamin C thông qua chế độ ăn hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 25%.
Trên thực tế, những người tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C như cà chua đạt được lợi ích hơn so với những người dùng thực phẩm bổ sung chất này.
Tăng cường khả năng ghi nhớ
Vitamin C cũng có thể giúp chống mất trí nhớ. Nguyên nhân là do chất chống oxy này giúp giảm ảnh hưởng của tình trạng mất cân bằng oxy hóa và viêm ở não, cột sống và dây thần kinh. Hiện nay các chuyên gia vẫn còn đang nghiên cứu thêm về mối quan hệ này.
Dù vậy, thiếu hụt vitamin C đã được chứng minh có khả năng tác động tới quá trình xử lý thông tin và ghi nhớ ở người mắc bệnh Alzheimer. Ngoài ra, flavonoid cũng tăng cường trí nhớ.
Mọi người có thể bổ sung các dưỡng chất này thông qua dâu tây, quả mâm xôi và quả việt quất. Trên thực tế các loại quả mọng là một trong những thực phẩm chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa nhất.
Ngăn ngừa lão hóa
Do đem lại nhiều lợi ích cho tế bào bên trong cơ thể của bạn, vitamin C có liên quan đến khả năng làm chậm quá trình lão hóa da. Đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của vitamin C có thể ngăn ngừa ảnh hưởng các gốc tự do, nguyên nhân chính gây lão hóa.
Nói cách khác, đây là hợp chất tự nhiên có thể giúp duy trì làn da của bạn luôn sáng mịn, trẻ trung, bảo vệ da khỏi chất ô nhiễm và chống nếp nhăn.
Dấu hiệu thiếu vitamin C
Các triệu chứng thiếu vitamin C bao gồm mệt mỏi, thay đổi tâm trạng thất thường, sụt cân, đau nhức cơ, dễ bầm tím, tóc và da khô. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất collagen. Hơn nữa, chúng còn khiến mô dễ bị chịu tổn thương và giảm khả năng hồi phục của các tế bào. Thiếu vitamin C nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh Scurvy.
(Nguồn: Goodnet)