ĐÔI ĐIỀU VỀ ĂN UỐNG VÀ BỆNH LOÃNG XƯƠNG

461
Loãng xương (hay còn gọi là xốp xương) là một vấn đề đang được thế giới quan tâm vì quy mô lớn và tác động nghiêm trọng của nó trong cộng đồng. Nó là một bệnh (hoặc một hội chứng) nội tiết với 2 đặc điểm chính là lực của xương bị suy yếu và cấu trúc xương bị ảnh hưởng. Hậu quả là xương trở nên dễ bị gãy, mà gãy xương là một vấn đề y tế lớn, hay gặp, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và có thể tử vong nhất là ở người có tuổi.

Với người da trắng, cứ 2 phụ nữ sống đến 85 tuổi thì có một người bị gãy xương và cứ 3 nam giới cùng độ tuổi thì có một người bị gãy xương. Ở nữ, nguy cơ gãy xương đùi tương đương với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ở nam – nguy cơ gãy xương cột sống tương đương với nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

I/ Định nghĩa về loãng xương.

Năm 1991, WHO đã đưa ra định nghĩa: “Loãng xương là một bệnh với đặc điểm khối lượng xương suy giảm, vi cấu trúc của xương bị hư hỏng dẫn đến tình trạng xương bị yếu và hệ quả là tăng nguy cơ gãy xương”.
Năm 2001, Hội nghị chuyên đề về loãng xương (tại Mỹ) đưa ra định nghĩa mới : “Loãng xương là một hội chứng với đặc điểm sức bền của xương phản ánh sự kết hợp của mật độ chất khoáng trong xương và chất lượng xương”.

Loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương, loãng xương và gãy xương là hệ quả của nhiều yếu tố môi trường và di truyền, có thể gói gọn trong 4 nhóm:
1. Giảm kích thích tố (hormone).
2. Dinh dưỡng, chế độ ăn (thiếu calci).
3. Lối sống (hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, ít vận động)
4. Di truyền.
Ngoài ra một số thuốc (corticoid…) và bệnh (bệnh tuyến giáp, cận giáp, bệnh tuyến thượng thận…) cũng có thể gây loãng xương.

Tóm lại: Loãng xương là một bệnh nội tiết mà hệ quả sau cùng là gãy xương, gãy xương là một vấn nạn y tế cộng đồng hiện nay vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, hao tổn tiền bạc, dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên loãng xương là một bệnh có thể ngăn ngừa được vì các yếu tố nguy cơ có liên quan đến lối sống và chế độ dinh dưỡng, tức những yếu tố mà mỗi cá nhân có thể tự kiểm soát được.


II/ Chẩn đoán bệnh:
2.1.Triệu chứng lâm sàng:
+ Đau xuơng: Thưòng đau ở vùng xuơng chịu tải của cơ thể như cột sống, thắt lưng, xương chậu, đau nhiều nếu là sau chấn thưong, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau tăng khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu, giảm khi nằm nghỉ.
+ Hội chứng kính thích rể thần kinh: Đau có thể kèm với dấu hiệu chèn ép, kích thích rể thần kinh như đau dọc theo các dây thần kinh liên suờn, dọc theo dây thần kinh đùi, đau tăng khi ho, hắt hơi, nín thở…
+ Lún, nứt hoặc gãy xương: lún đốt sống, gù còng, nứt hoặc gãy cổ xưong đùi, xương cẳng tay,cổ tay… xảy ra sau va chạm hay chấn động nhẹ.


2.2. Triệu chứng cận lâm sàng:
Để đánh giá chất lượng cấu trúc xương có thể dùng phương pháp siêu âm xương. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các xương như ngón tay và gót chân. Nguyên lý của nó chủ yếu dựa vào sự hấp thụ của âm thanh trong xương – broad band netrasond attennation (BUA), nói cách khác, kỹ thuật siêu âm xương đo lường tốc độ âm thanh xuyên qua xương (speed of sound-SOS). Về lý thuyết, siêu âm có thể cung cấp thông tin về tính đàn hồi của xương và khối chất khoáng trong xương và nói chung, SOS và BUA có sự tương quan khá tốt đối với mật độ xương đo bằng máy DXA. DXA được xem là phương pháp chuẩn để đo mật độ xương (tốt nhất hiện nay), nó có ưu điểm là độ chính xác cao, sai số đo lường thấp, thời gian nhanh, bức xạ thấp và kinh phí tương đối rẻ.


III/ Nguyên tắc Dinh dưỡng:
1- Đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi và ngành nghề lao động.
2- Đảm bảo cân đối về năng lượng : tỷ lệ % Đạm (P):Béo(L):Đường bột(G) nên là = 12 -15%: 18-20% : 60-65%)
2- Đảm bảo cân đối về chất Đạm (P): Tỷ lệ Đạm động vật/ Đạm thực vật ở người lớn nên là 50/50, ở trẻ em tỷ lệ Đạm động vật có thể nên từ 60/40 đến 70/30.
4- Đảm bảo cân đối về chất béo (L): Người lớn tỷ lệ L thực vật/ L động vật nên là 50/50.
5- Đảm bảo nhu cầu calci theo lứa tuổi:
Trẻ em trên 6 tháng đến 9 tuổi: 500mg/ngày. Từ 10 đến 15 tuổi 700mg/ngày. Người trưởng thành 500mg/ngày. Phụ nữ có thai, cho con bú : 1000mg/ngày. Người trên 50 tuổi, người già 1200mg/ngày.
6- Đảm bảo đủ vitamin D. Đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa calci và phốt pho. Tốt nhất là 1,5 – 2. (5).

IV/ Chỉ định dinh dưỡng điều trị:

Duy trì lượng calci đầy đủ qua ăn uống là một biện pháp hữu hiệu, rất cần thiết cho việc ngăn ngừa tình trạng calci thoát ra khỏi xương, nhất là trong thời kỳ tăng trưởng để mật độ xương đạt được mức cao nhất.
Tương tác thuốc điều trị với các chất dinh dưỡng: Hiện nay một số thuốc điều trị loãng xương và chống gãy xương gồm các thuốc ức chế huỷ xương như: Bísphosphonatis, estrogen, raloxifene có thể gia tăng mật độ xương vài phần trăm và giảm nguy cơ gãy xương khoảng 4-6% sau 1 năm điều trị. Trong nhóm thuốc gia tăng tạo xương, có teriparatide được phê chuẩn cho điều trị loãng xương và chống gãy xương.
Thực phẩm không nên dùng và dùng hạn chế:
Những thực phẩm giầu calci có hàm lượng trên 1000mg/100g thì không nên ăn nhiều và ăn thường xuyên. Ví dụ Cua đồng, Ram tươi, Ốc đá, Ốc nhồi, Ốc vặn, Ốc bươu là những loại thuỷ sản có hàm lượng calci cao đều từ 1300mg/ 100g trở lện, nếu dùng nhiều sẽ có nguy cơ tăng calci niệu và sỏi thận, nếu dùng cũng cần uống nhiều nước hơn bình thường.
Những thực phẩm nên dùng: Là những thực phẩm giầu calci và tốt cho cơ thể như thịt các loại, trứng, sữa, đậu phụ nên sử dụng nhiều hơn khi cần bổ xung calci cho cơ thể. Đặc biệt là sữa vì tỷ lệ Ca/P của sữa rất tốt cho việc hấp thu Canxi vào cơ thể.

Tài liệu tham khảo:
Trích từ bài của PGS.TS.BSCC. Trần Đình Toán, trong cuốn “Hướng dẫn điều trị Dinh dưỡng Lâm sàng” do Bộ Y tế làm Chủ biên, NXB Y học, Hà Nội 2015, tr 182-186.
PGS.TS. BSCC. Trần Đình Toán